Cây Xoài, cây ăn quả, cây công trình, cây xanh đô thị, cây lấy bóng mát
Cây Xoài có tên khoa học là Mangifera Indica L, thuộc họ Anacardiacae. Xoài có rất nhiều giống, nhưng có 2 nhóm giống cơ bản là nhóm cây xoài Ấn Độ (hạt đơn phôi) và nhóm cây xoài Đông Nam Á (hạt đa phôi). Nhóm cây xoài đơn phôi thường cho trái quanh năm.
Họ thực vật :thuộc họ Đào lộn hột (Anacadiaceae) còn có tên gọi là quả sài, là những loài cây ăn quả vùng nhiệt đới
Người ta không biết chính xác nguồn gốc của xoài, nhưng nhiều người tin là chúng có nguồn gốc ở Nam và Đông Nam Á, bao gồm miền đông Ấn Độ, Myanma, Bangladesh theo các mẫu hóa thạch được tìm thấy ở khu vực này có niên đại khoảng 25 tới 30 triệu năm trước Trong kinh Vệ Đà có chỉ dẫn tới xoài như là “thức ăn của các vị thần”.
Cây Xoài là cây lá xanh quanh năm, dễ trồng và dễ chăm sóc, thích hợp trồng làm cây công trình, cây bóng mát, cây sân vườn tại các khu đô thị, khu biệt thự, vừa tạo cảnh quan xanh, vừa cho quả ăn. Hiện nay, Xoài cùng với cây sấu, cây mít là những loại cây ăn quả đang được lựa chọn để trồng làm cây bóng mát, cây công trình cảnh quan tại các dự án xây dựng, các khu dân cư mới, công trình xây mới.
Với cây xoài trồng làm cây xanh đô thị, cây công trình, cây lấy bóng mát, không cần quan tâm nhiều đến việc chăm bón.
Đặc điểm thực vật của cây Xoài
– Rễ: Phần lớn rễ phân bố ở tầng đất từ 0-50cm ở những vùng có mực nước ngầm thấp hay đất cát, rễ có thể ăn rất sâu (6-8m). Tuy nhiên, phần lớn rễ tập trung trong phạm vi cách gốc khoảng 2m.
– Thân, tán cây: Cây thân gỗ lớn, mọc khỏe, cao 10-20m, có tán rậm. Ở những nơi trảng, chiều cao cây và tán cây có đường kính tương đương. Tán cây lớn hoặc nhỏ tùy theo giống.
– Lá và cành: Lá đơn, nguyên, mọc so le, phiến lá hình thuôn mũi mác, nhẵn, thơm. Một năm, xoài có thể ra 3-4 đợt chồi tùy theo giống, tuổi cây, thời tiết và tình hình dinh dưỡng; cây con ra nhiều đợt chồi hơn so với cây đang cho quả; cây già rất khó ra chồi. Lá non sau 35 ngày mới chuyển xanh hoàn toàn, mỗi lần ra lá, cành xoài dài thêm 20-30cm.
–Hoa: Hoa hợp thành chùm kép ở ngọn cành, chùm hoa dài khoảng 30cm, có 200-400 hoa. Mỗi chùm thường có 2 loại hoa: hoa lưỡng tính và hoa đực. Tỉ lệ hoa đực và hoa lưỡng tính trên cây phụ thuộc vào giống và điều kiện khí hậu ở địa điểm trồng. Thường thì hoa lưỡng tính chiếm từ 1-36%.
Xoài là cây thụ phấn chéo, thụ phấn nhờ côn trùng là chủ yếu. Thời gian tiếp nhận hạt phấn của nhụy rất ngắn, chỉ sau vài giờ. Ở xoài nhụy thường chín trước, thời gian tốt nhất để nhụy tiếp nhận hạt phấn là lúc mặt trời mọc, trong khi đó nhị đực tung phấn chỉ vào khoảng 8-10 giờ sáng. Sự không trùng hợp này là nguyên nhân cản trở sự thụ phấn và thụ tinh của xoài.
Hoa nhỏ, màu vàng, có 5 lá đài nhỏ, có lông ở mặt ngoài, 5 cánh hoa có tuyến mật, 5 nhị nhưng chỉ có 1-2 nhị sinh sản. Bầu trên, thường chỉ có một lá noãn chứa 1 noãn. Cây thuộc dạng quả hạch, chín màu vàng, thịt vàng, ngọt, thơm, nhân có xơ. Hạt rất to.
–Quả: xoài chín có màu vàng hấp dẫn, có vị chua ngọt, mùi thơm ngon. Xoài chín được ăn
Chúng tôi chuyên cung cấp, bán cây xoài các loại (cây xoài, cây muỗm, cây quéo) trồng làm cây bóng mát, cây công trình, biệt thự, khu sân vườn; Các cây kích cỡ nhỏ có đường kính gốc từ 15 – 20 cm, cây trung bình đường kính gốc từ 25 cm đến 40 cm, cây lớn đường kính gốc trên 40 cm. Hãy liên hệ với chúng tôi để có thông tin chi tiết.
Cách chọn giống cây xoài
Cây xoài được nhân giống bằng nhiều phương pháp như gieo hạt, chiết cành, ghép…nhưng phổ biến nhất vẫn là phương pháp ghép. Cụ thể là: cây xoài giống được ghép trên gốc ghép là giống cây xoài bưởi hoặc là cây xoài hôi, cây xoài được ươm trong bầu nilon màu đen có chiều cao 20-22cm, đường kính bầu 12cm.
Bầu không bị dập, vỡ. Cây xoài ghép sinh trưởng tốt, thân cây xoài mập, chiều cao cành ghép 40-50cm, đường kính 1cm (đo phía trên vết ghép khoảng 2cm), có từ 2-3 đợt lộc. Lá cây xoài xanh đậm, không có vết sâu bệnh.
Một số phương pháp chiết, ghép mắt cây xoài như sau:
Phương pháp chiết cành cây xoài.
– Chọn cây, cành chiết:
Các nhà làm giống khẳng định có thể nhân giống cây xoài bằng cách chiết cành. Tuy nhiên, với cây xoài khó hơn các cây khác; cần chuẩn bị kỹ để thành công. Trước hết là chiết cành từ cây xoài có đủ sức khỏe với bộ dạng cây sung mãn. Chọn các cây xoài đã từng ra trái, ở độ tuổi 5-15 vì cần khai thác khả năng ra trái sớm của cây giống. Đối với cây xoài cao tuổi, chỉ chiết các cành trẻ tương tự như đã nói trên.
Chỉ chiết cành thành công trong thời kỳ sinh trưởng, cây xoài sung sức và không mang hoa trái. Tốt nhất chiết cành cây xoài vào giai đoạn sau thu hoạch và sau khi chăm sóc cây xoài đã phục hồi và đã tạo cơi thứ nhất hoàn chỉnh – bộ lá đã vào bánh tẻ. Việc chiết cành cây xoài quá gần sau ngày bón phân sẽ dễ thất bại.
– Thao tác chiết cây xoài:
Cách chiết cành cây xoài giống như chiết cành các cây khác như ổi, vải, nhãn gồm khoanh và lột vỏ, bó bầu… Tuy nhiên, cây xoài rất nhiều mủ nên sau khi khoanh và lột vỏ cần lau sạch lõi gỗ nơi vết lột vỏ, không để sớ vỏ cành sót lại trên lõi gỗ hoặc mủ tràn nối liền hai vết cắt cảnh cây xoài.
Có điều kiện thì phơi vết lột vỏ tự nhiên 1-2 ngày sẽ bó bầu sẽ chắc ăn hơn. Rất cần tăng cường khả năng ra rễ của cành cây xoài chiết bằng cách dùng một trong các chất kích thích sinh trưởng như NAA, IBA v.v – tên thương mại hoặc giới thiệu là “thuốc kích thích ra rễ”.
Cần sử dụng chất bổi thích hợp cho bó bầu như mụn dừa đã ngâm rửa sạch đủ đô ẩm.
Dùng bao nilon trong và dây nhựa, bó chặt tay để bổi giữ độ ẩm cho quá trình phát triển rễ cảnh xoài chiết. Ngoài thời điểm chiết thích hợp ở từng cây xoài còn phải chú ý thời tiết, thành công chiết cành cao vào ngày trời mát, không mưa.
Sau 4-5 tháng, rễ trong bầu đã ra đầy và đầu rễ chuyển sang màu vàng sẽ cưa khỏi cây xoài mẹ và đem vào vườn ươm, tháo bao nilon, dưỡng vài tháng trước khi đem trồng
Tuy nhiên, do năng suất sản xuất cây xoài giống thấp lại khó thành công nên việc chiết cây xoài ít được áp dụng trong thực tiễn sản xuất.
Phương pháp Ghép mắt cây xoài.
Quá trình làm cây xoài giống bằng phương pháp ghép mắt phải chuẩn bị gốc ghép trước 1-1,5 năm. Nếu chỉ làm một vài cây xoài giống thì tìm cây xoài con thích ứng bứng về và chuẩn bị ghép. Cũng cần chuẩn bị mắt ghép thật chu đáo và cần thợ ghép có tay nghề cao.
– Làm gốc ghép cây xoài:
Các chuyên gia kỹ thuật cho rằng chọn hạt cây xoài làm gốc ghép từ những giống có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu đất đai của địa phương. Chọn hạt của các giống cây xoài trồng ở địa phương, các giống cây xoài bán hoang dại như cây xoài rừng, cây xoài lá nhỏ, cây muỗm, cây quéo đều được. Gần đây có khuyến cáo, lấy hạt của giống cây xoài ngon hoặc chính cây dự tính nhân giống làm gốc ghép sẽ bảo tồn độ ngon cao nhất của cây xoài con do không ảnh hưởng “mặt xấu”của gốc ghép dù chỉ là vài phần trăm.
Nên chọn những giống cây xoài ở nhóm đa phôi làm gốc ghép để có được độ đồng đều trong vườn ươm. Cụ thể là dùng hạt của một cây xoài, dùng kéo cắt bao hạt, tách các phôi trong hạt xoài ra để ươm, một hạt có 5 hoặc 6 phôi cho 5-6 cây con ươm làm gốc ghép.
Sau khi phôi cho “cây mạ” sẽ “cấy trên vườn ươm. Đất vườn ươm gốc ghép cây xoài là đất thịt pha cát nhẹ để dễ dàng bứng mà không bị bể bầu sau khi ghép mắt thành công. Vườn ươm giống cây xoài có mật độ rất dầy (25x30cm) nên phải được chăm sóc kỹ, bón phân tưới nước cho cây Xoài đầy đủ để các gốc cây Xoài ghép đạt độ đồng đều. Sau thời gian ươm 1-1,5 năm, cây xoài có đường kính trên dưới 2,5cm (đo ở vị trí cách mặt đất trở lên 20cm) là có thể dùng để ghép được.
Khi có gốc ghép cây Xoài đạt đường kính gốc nói trên phải ngưng bón phân, trước khi ghép khoảng 1 tháng nhưng duy trì nước tưới, cây khỏe, có nhiều nhựa, dể bóc vỏ, có khả năng tiếp hợp tốt với mắt ghép.
– Chuẩn bị mắt ghép cho cây Xoài.
Chọn những cành cây Xoài khỏe có đường kính tương đồng hoặc nhỉnh hơn chút xíu so với gốc ghép. Đó là các đoạn cành bánh tẻ có lá đóng thưa để dễ lấy mắt. Trước ngày dự định ghép khoảng 2-3 tuần tiến hành khoanh vỏ 2-3 cm gốc đoạn cành lấy mắt ghép. Lại có người dùng kéo cắt hết phiến lá đoạn lấy mắt ghép và cắt phần ngọn non bỏ đi.
Cả hai cách trên nhằm làm cho mắt xoài (đỉnh sinh trưởng nằm dưới vỏ cành nơi nách lá) trương lên, dễ bóc và tỷ lệ sống của mắt ghép cao. Dùng kéo cắt cành cắt lấy “đũa ghép” rời khỏi cây xoài, trên mỗi đũa có khoảng 10 mắt ghép để ghép cho 10 gốc phép.
Ghép buổi nào lấy đũa ghép buổi nấy, bảo quản trong dụng cụ chuyên dùng , tránh bị nắng và nhẹ tay để các mắt ghép không bị giập “hạt gạo”. Dùng dao bén cắt phần gù cuống lá cho ngắn dễ ghép nhưng đồng thời đạt yêu cầu mắt ghép sống sau khi ghép.
– Thao tác ghép mắt cây Xoài.
Phương pháp ghép chữ T hay ghép cửa sổ – chữ H được thực hiện với dao ghép chuyên dùng. Chích mũi dao mở vỏ gốc ghép hình chữ T hoặc chữ H cách gốc 20 cm. Dùng dao chích 4 phía và tách mắt ghép từ đũa ghép. Vết chích ngọt, dứt khoát và độ rộng sao cho vừa lọt vào chữ T hoặc chữ H trên vỏ gốc ghép. Áp mắt ghép vào thân gỗ vừa được mở vỏ và theo chiều mắt ghép hướng lên trên.
Dùng dây nilon đen to bản quấn chặt, ép mắt ghép vào thân gốc ghép theo chiều từ trên xuống để có thể chắn nước mưa hoặc nước tưới lọt vào vết ghép. quá trình thao tác phải thật nhanh tay để mủ của gốc ghép và mắt ghép trộn vào nhau để mắt ghép ôm chặt thân gỗ của gốc ghép. Ghép xong mắt này mới chuyển sang mắt khác.
Sau khoảng 1 tháng tiến hành kiểm tra mắt ghép bằng cách cắt dây nilon quấn mắt ghép mắt ghép tươi là dấu hiệu tốt. Chờ thêm mươi ngày, đỉnh sinh trưởng của mắt ghép quen môi trường mà vẫn tươi là xem như ca ghép thành công ta tiến hành cắt ngọn cho mắt ghép đâm chồi tạo đọt.
– Bứng và chăm sóc cây xoài giống trước khi trồng
Tưới ướt đất vườn ươm từ hôm trước. Sáng hôm sau dùng thuổng hoặc len dao (chuyên dùng bứng gốc ghép) xắn 2 nhát sâu bằng lưỡi len lấy cây xoài con đưa gốc ghép này vào túi nilon đen, thêm đất trộn phân dùng để dưỡng cây con. Sau 3-4 tháng chăm sóc, cây xoài con ra 2 tầng lá hoàn chỉnh là có thể đem trồng ngoài vườn.
Lưu ý chỉ sử dụng chất kích thích ra hoa, tăng đậu trái một lần trong năm. Có thể áp dụng cho cây xoài đã mang trái mùa trước nhưng không được sai trái. Không nên kích thích trên hoa. Phun khi cây, lá khô ráo và dự định không có mưa sau khi phun khoảng 6 giờ. Phun KNO3 ướt đẫm lá hoàn toàn nhưng không chảy thành giọt.
Phun vào sáng sớm từ khi mặt trời mọc cho đến khoảng 9 giờ sáng, hoặc phun muộn vào chiều mát từ 4 – 5 giờ chiều nhằm tránh khả năng lá bị nám do ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Xoài
- Chuẩn bị đất:
Ở đồng bằng, tùy theo độ cao của đất mà làm liếp đôi hoặc liếp đơn, sao cho đảm bảo mặt liếp phải cao hơn mực nước ở thời đểm cao nhất.
b. Đắp mô trên mặt liếp:
Với đường kính 80-100cm, cao 30cm, thành phần đất đắp mô bao gồm 70% đất mặt, 30% phân chuồng, phân hữu cơ, 200-300gr DAP, 3-5 kg tro trấu. Tất cả trộn đều vun lại thành mô, trên có rơm rạ phủ lên mặt mô. Để chống mối, kiến làm tổ dưới gốc, có thể trộn thêm vào thành phần mô đất 5-10 gr thuốc Basudin hoặc Furadan. Mô được chuẩn bị trước khi đặt cây khoảng 2-4 tuần.
c. Đất cao không lên liếp:
Đào hố có kích thước rộng 70 cm, sâu 60 cm. Thành phần lắp đầy hố như trên.
d. Khoảng cách trồng:
Cây Xoài Bưởi có thể trồng (6m x 6m), các giống xoài khác (7m x 7m) hoặc (8m x 8m) trường hợp thâm canh cao có thể trồng dầy hơn với khoảng cách (7m x 5m) hoặc (6mx 5m).
Có thể trồng xen các cây trồng phụ khác để tận dụng đất trồng, tăng thu nhập ở những năm đầu. Cây trồng xen tùy vào từng địa phương, lưu ý tránh những cây tiêu hao nhiều dinh dưỡng như gừng, bắp, khoai mì, mía…
e. Trồng cây xoài:
Đào hố (trên mô hoặc hố) vừa bằng kích thước bầu cây Xoài giống. Trước khi trồng, dùng dao rạch bỏ túi PE đặt bầu cây Xoài giống xuống, chú ý giữ cho cây xoài thẳng đứng. Cắm thêm nạng chống đỡ cho cây Xoài con.
Chăm sóc cây Xoài:
Thời kỳ cây xoài còn nhỏ, tức mới trồng được 1-3 năm tuổi. Thời kỳ này cây sinh trưởng mạnh hầu như quanh năm để hoàn thiện bộ khung tán. Chính vì vậy, việc cung cấp đủ phân, đủ nước, diệt trừ cỏ dại thường xuyên để tạo điều kiện thuận lợi cho cây xoài sinh trưởng là rất cần thiết.
– Tưới nước:
Trong thời kỳ cây xoài còn nhỏ việc tưới nước có thể tiến hành quanh năm nhằm cung cấp đủ nước cho các đợt lộc non hình thành và phát triển. Đặc biệt trong thời gian đầu sau khi trồng mới, việc tưới nước cần phải duy trì từ 3-4 ngày/lần. Càng về sau số lần tưới càng ít đi nhưng phải duy trì được độ ẩm thường xuyên cho diện tích đất xung quanh gốc. Để hạn chế bớt cỏ dại và ngăn cản quá trình bốc hơi nước ta nên dùng rơm rác mục, cỏ khô tủ lại xung quanh gốc, tủ phần tán cây có bán kính 0,8-1m, và để trống phần diện tích cách gốc 20cm để hạn chế côn trùng, sâu bọ làm tổ, phá hoại gốc cây xoài.
– Làm cỏ:
Thời kỳ đầu do bộ tán cây Xoài còn nhỏ nên các loại cỏ dại có điều kiện sinh trưởng, phát triển. Vì vậy, làm cỏ cần phải tiến hành thường xuyên và là công việc tốn khá nhiều công sức. Tuy nhiên, tùy theo đặc điểm của từng vùng ta có cách thức xử lý cỏ phù hợp khác nhau. Nếu vườn chỉ có các loại cỏ lá rộng thân thẳng phát triển, việc diệt trừ cỏ sẽ đơn giản và đỡ tốn công hơn nhiều. Cách diệt cỏ loại này đơn giản nhất là dùng dao phát cán dài, phía mũi dao cong lại như mũi liềm. Khi cỏ cao khoảng 20cm thì dùng dao phát ngang sát mặt đất để cắt đứt thân cây cỏ. Phần thân bị cắt đứt được thu gom lại, phơi khô sau đó phủ lại xung quanh gốc cây.
– Xử lý cho cây xoài ra hoa sớm:
Là việc làm nhằm mục đích tránh tình trạng được mùa rớt giá. Tất nhiên, các nhà vườn phải cân nhắc kỹ và có đủ điều kiện, trình độ kỹ thuật thì mới có thể thực hiện thao tác xử lý cho cây Xoài ra hoa sớm. Đối với cây Xoài già thì có thể tưới thuốc vào thời điểm cây Xoài ra được 1-2 cơi đọt, đối với cây tơ thì tưới vào lúc cây ra được 2-3 cơi đọt. Tưới khi cây vừa ra đọt cuối khoảng 10cm hoặc ra lá lụa. Có thể dùng một số loại thuốc ức chế tăng trưởng để tưới như Paclobutrazol 10%, liều lượng 10cc pha với 5-10 lít nước tưới cho 1m đường kính tán và tưới sát gốc cây Xoài, sau đó giữ ẩm 20 ngày. 2 tháng sau dùng KNO hoặc Dola 02X.
– Bảo vệ hoa và quả Xoài non:
Việc bảo vệ hoa và quả xoài non là rất quan trọng. Có thể phun thuốc (Pyrinex, Sago Super, Butyl) bảo vệ hoa lần 1 khi phát hoa dài 2-3cm để ngừa rầy chích hút. Lần hai phun khi hoa đạt kích thước tối đa. Sau đó, ngưng phun thuốc để bảo vệ côn trùng có ích giúp hoa thụ phấn.
Trong giai đoạn này, nếu mưa nhiều, nhất là mưa đêm, thì sáng hôm sau rung cành cho rụng bớt hoa không thụ phấn, kết hợp phun thuốc phòng trừ nấm gây bệnh thán thư (dùng thuốc Bendazol, Carbenzim, liều lượng theo hướng dẫn). Cứ hễ mưa xong là phun thuốc. Khi trái non đạt kích thước đường kính 1-2mm (còn gọi là đậu trứng cá), phun thuốc ngừa bệnh tán thư.
Dùng các loại thuốc như Antracol, Viben-C, và phun Pyrinex, Fastac để ngừa sâu rầy. Sau khi cây Xoài đậu trái thường phải qua thời kỳ rụng sinh lý, kéo dài khoảng 35-45 ngày. Qua thời kỳ này thì quả Xoài không rụng nữa. Giai đoạn này, bao trái là hiệu quả nhất nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu mà vẫn bảo vệ được trái xoài khỏi sâu bệnh hại, vừa giúp cho vỏ quả xoài trắng đẹp. Trong tự nhiên, cây Xoài thường ra hoa lẻ tẻ không đồng loạt.
Để cho cây Xoài ra hoa tập trung phải xử lý bằng ka-li-nitơ-rát (KNO3) nồng độ 1,25-1,5% (1lít nước và 12-15g KNO3) phun ướt hết các lá cây Xoài, cần chú ý phun cho đồng đều để đạt hiệu quả cao. Sau khi phun 3-7 ngày xoài sẽ ra hoa.
Phòng trừ sâu bệnh cho cây Xoài
– Bệnh thán thư ở cây Xoài: Bệnh làm thối đen hoa, rụng hoa, thối đen trên quả xoài. Dùng Benlat C hoặc Score 250 EC phun từ khi hoa nở đến 2 tháng sau với 7 ngày phun 1 lần, sau đó 1 tháng phun 1 lần.
– Bệnh phấn trắng ở cây Xoài: Xâm nhiễm và gây hại lá, hoa, quả đặc biệt là hoa và chùm hoa của cây Xoài. Dùng Rhidomila MZ 72WP, Anvil 5SC…
– Bệnh muội đen ở cây Xoài: Do bài tiết của rệp, dùng: Bassa 50 EC, Trebon 2,5 EC và có thể phun các loại thuốc trừ nấm có gốc đồng…
– Bệnh cháy lá ở cây Xoài: Bệnh phát triển trong mùa mưa, gây hại chủ yếu trên lá. Phòng trừ bằng cách cắt bỏ lá bệnh, phun thuốc Rhidomil MZ 72 WP, Kasumin 2L…
– Sâu đục thân, đục cành cây Xoài: Dùng bẫy đèn bắt sâu trưởng thành, tiêm vào lỗ những loại thuốc có tính xông hơi mạnh hoặc nội hấp như: Actara 25 WG, Padan 95SP, bịt lỗ bằng đất sét để diệt sâu non.
– Rầy xanh ở cây xoài: Rầy tiết dịch gây bệnh mùa nóng, làm xoài kém phát triển. Thời gian hại mạnh từ tháng 10 năm trước đến tháng 6 năm sau. Dùng Bassa 50 EC, Trebon 2,5 EC, Supracide 40 EC, Song mã 24,5 EC…
– Ruồi đục quả xoài: Ruồi đục vào quả lúc vỏ quả già, đẻ trứng dưới lớp vỏ, sâu non ăn thịt quả gây thối, rụng quả. Dùng Sherpa 25 EC, Lục Sơn 0,26 DD, Padan 95 SP.
– Bệnh thối đọt xoài: Do nấm Dipldia Natalensis phá hại trên cành, lá, trái. Cành non xuất hiện đốm sậm màu lan dần nên lá. Lá cũng bị biến sang màu nâu, bìa lá cuốn lên trên. Có thể thấy mủ chảy trên các cành bị bệnh. Chẻ dọc cành bị bệnh có thể thấy bên trong có các sọc nâu do các mạch dẫn nhựa bị hư. Bệnh phát triển mạnh lúc độ ẩm không khí cao, lan nhanh trong mùa mưa. Trên trái, vùng vỏ quanh cuống trái bị úng sậm màu, sau đó lan rộng thành vùng đen tròn, sau 2-3 ngày có thể gây thối trái. Cách phòng trị: dùng Boocđô phun định kì lúc phát hiện bệnh. Ở trái xoài có thể nhúng vào dung dịch hàn the (borax) pha loãng ở nồng độ 0,06%.
Bón phân cho cây Xoài
– Giai đoạn Xoài non:
Hàng năm nên bón mỗi gốc từ 200-400g phân NPK 16-16-8 và khoảng 200g phân urê, lượng phân này được chia ra làm 2 lần bón vào đầu và cuối mùa mưa. Về cách bón, có thể bón theo lỗ hoặc rải đều xung quanh gốc theo phạm vi của tán và cách gốc từ 0,3-0,5m. Ngoài ra, nên bón bổ sung từ 1-3 kg phân KOMIX chuyên dùng cho cây ăn trái để bổ sung chất hữu cơ cho đất giúp cây xoài phát triển ổn định.
– Giai đoạn Xoài trưởng thành:
Bón tối thiểu từ 2-5kg/cây loại phân NPK 16-16-8 và từ 3-4 kg phân KOMIX, chia đều 2 lần bón vào đầu mùa mưa (lúc cây mang trái) và vào tháng 9-10 dương lịch (trước khi cây ra hoa). Lượng phân bón có thể tăng sau những năm trúng mùa để cây phục hồi sức cho trái năm sau.
Có thể dùng phân chuyên dụng NPK 14-14-14 hoặc phân hỗn hợp NPK 16-16-8 để bón cho xoài.
Liều lượng bón phân theo tuổi Xoài như sau: Từ 5 – 6 năm: Bón cho mỗi cây từ 0,5 – 1kg phân NPK 14-14-14 + 3 – 4kg phân hữu cơ. Từ 7 – 14 năm: Bón tăng thêm mỗi năm 1kg phân chuyên dụng NPK 14-14-14 + 1kg phân hữu cơ. Từ 15 – 20 năm trở lên mỗi năm bón thêm so với giai đoạn 14 năm từ 2 – 3kg phân NPK 14-14-14 + 2 – 3kg phân hữu cơ cho mỗi gốc cây Xoài. Bón 1 lần hoặc chia ra bón làm 2 lần lúc bắt đầu mùa mưa và trước khi chấm dứt mùa mưa. Phân bón cũng có thể áp dụng trong mùa khô nếu có đủ nước tưới. Đào rãnh chung quanh tán cây cách thân cây xoài từ 1 – 2m đường kính, sâu 15 – 30cm, đặt phân và lấp đất hoặc bón theo lỗ từ 6 – 8 lỗ quanh thân cây Xoài.
Để tăng lợi nhuận có thể dùng phân hoá học kích thích ra hoa tăng đậu trái cho cây như các loại phân kali nitrat (KNO3). Loại phân này có chứa 13% đạm và 46% kali, giúp tăng cường kali cho cây, kích thích ra hoa tăng trái hữu hiệu. Tuy nhiên để cho việc sản xuất có lợi nhuận cao và bền vững lâu dài, trước khi kích thích cho cây Xoài ra hoa, bà con cần lưu ý rằng cách phát triển hoa và trái thay đổi trên các giống xoài khác nhau.
Ngoài ra không nên dùng chất hóa học, phân bón lá kích thích ra hoa khi mà cây xoài còn quá nhỏ, lá và chồi quá non hoặc khi cây đang đâm chồi, nẩy lộc, có trái hay đang bị bệnh, trong những ngày mưa và sau khi thu hoạch. Dùng liều lượng cao (2.0 – 3.0%) phun khi thời tiết lạnh hoặc trời u ám, khi cây bắt đầu phát triển sung mãn hoặc cây Xoài có lá và chồi mạnh khỏe. Áp dụng liều lượng thấp (1.0 – 1.5%) khi thời tiết nắng hoặc nóng, khi cây xoài lớn, già hoặc trưởng thành đầy đủ, khỏe mạnh.
Các biện pháp xử lý ra hoa cho xoài
Dựa vào cơ sở bên trên, nhiều biện pháp xử lý xoài ra hoa sớm hay ra hoa trái vụ đã được ứng dụng. Tuy nhiên tại các tỉnh ĐBSCL và ĐNB biện pháp sử dụng Paclobutrazol kết hợp biện pháp canh tác, chăm sóc cây đúng cách được áp dụng phổ biến nhất.
Biện pháp tỉa bớt hoa và trái khi Xoài trúng mùa: Tỉa bỏ bớt hoa và trái trên cây vào những năm xoài trúng mùa nhằm làm cho cây xoài không bị kiệt sức từ đó xoài có khả năng cho hoa và trái trong nhiều năm (hạn chế hiện tượng ra hoa cách niên). Dựa trên cơ sở nầy, Chadha và ctv., (1979); Pal và ctv., (1982) đã sử dụng chất cản như: Ethephon (Ethrel), Cyclohexamide, Carbaryl, Gebutox, Pikoff. . . để phun làm rụng bông Xoài. Kết quả cho thấy Xoài rất dễ rụng hoa khi phun 500 ppm Ethephon hoặc 250 ppm Cyclohexamide.
Biện pháp xén tỉa cành (pruning) và khấc cây (girdling):Tỉa bớt các cành già vào khoảng 4 tháng trước khi cây ra hoa. Biện pháp nầy đã giúp cho cây sử dụng dinh dưỡng hiệu quả hơn nên đã góp phần vào việc ra hoa, cho trái nhiều hơn. Mallik (1951) cũng đề nghị khấc cành của cây vào những năm trúng mùa để lượng dưỡng chất tích tụ và vào năm thất muà cây cũng sẽ dễ được ra hoa và trái hơn.
Biện pháp ung khói (smudging):Vào năm 1916, De Leon đã đề cặp đến vấn đề ung khói. Đến nay đã có rất nhiều kết quả trong việc ung khói để tạo sự ra hoa cho xoài, ung khói liên tục trong vòng 2 tuần; mỗi ngày ung từ 12-24 giờ bằng cỏ, rơm hay trấu ẩm; có thể tạo điều kiện cho xoài ra hoa ở mọi thời điểm trong năm (trừ các tháng mưa nhiều có thể làm giảm hiệu quả ra hoa và đậu trái).
Tuy nhiên nếu 2 tuần sau khi xử lý mà xoài vẫn chưa ra hoa, các tác giả đề nghị ngưng xử lý 2 tuần và sau đó xử lý tiếp tục như ban đầu. Cơ chế của việc ung khói là cung cấp một lượng khí Ethylene (C2H4) cho cây, giúp cây xoài được kích thích ra hoa. Ngoài Ethylene trong khói còn chứa nhiều CO2, CO và Acetylene (C2H2) cũng góp phần đáng kể cho việc kích thích ra hoa trên cây xoài (Bondad, 1989). Tuy nhiên biện pháp này trong thực tế khó áp dụng.
Biện pháp xử lý với khí Ethylene: Tại Ấn Độ, Ethrel rất hiệu quả để xử lý ra hoa trên giống xoài Langra. Sengupta (1991) đã báo cáo các thí nghiệm thực hiện từ năm 1977-1981 trên giống xoài Langra 20 năm tuổi, kết quả cho thấy hiệu quả xử lý có tác động tốt đến số trái trên cây; kết quả nầy cũng cho thấy rõ nét nhất ở những năm xoài bị thất mùa hơn những năm xoài trúng mùa.
công thức xử lý phun: Ethrel 200 ppm + Urea 1%, kế đó là KNO3 1%, Urea 1% hoặc Ethrel 1-2%. Hay công thức xử lý là: Ethrel 200 ppm, KNO3 1%, Ortho Phosphoric acid 1% cũng cho kết quả tương tự với công thức trên. Một thí nghiệm khác của Chacko và ctv., (1974) là sử dụng Ethrel 200 ppm từ 4-5 lần cách nhau 15-20 ngày/lần từ tháng 9 dl (tại Ấn Độ) xoài sẽ cho ra hoa tốt và dễ dàng hơn.
Biện pháp xử lý thúc đẩy ra hoa với Thiourea: Thời điểm xử lý Hợp Trí BON (Thiourea 99%). Thiourea là hóa chất có tác dụng phá vỡ miên trạng của mầm ngủ (mầm lá hoặc mầm hoa) nên có tác dụng thúc đẩy ra tược hoặc ra hoa sớm đồng loạt. Tác dụng của Thiourea giống Nitrate Kali (KNO3) nhưng hiệu quả cao hơn gấp 2-3 lần.
Nguyễn Lê Lộc Uyển (2001) cho biết trên cây xoài Cát Hoà Lộc 3 năm tuổi (nhân giống bằng phương pháp tháp) phun Thiourea ở nồng độ 0,5-0,75% có thể kích thích ra hoa 10% trong mùa nghịch, trong khi Nitrate Kali ở nồng độ 2% không có hiệu quả.
Ở cây 9 năm tuổi (nhân giống bằng hột) cây ra hoa 40% trong mùa nghịch khi phun Thiourea ở nồng độ 0,5%, cao gấp hai lần so với phun Nitrate Kali ở nồng độ 2%. Ở Thái Lan, Thiourea thường được dùng để kích thích mầm hoa, thúc đẩy quá trình ra hoa sau khi đã xử lý PBZ (Paclobutrazole).
Charnvichit (1989) cho biết Thiourea có thể thúc đẩy sự phá miên trạng và đạt tỉ lệ ra hoa từ 79,2% và 100% sau khi xử lý PBZ từ 106 và 120 ngày. Tương tự, Tongumpai và ctv. (1997) cho biết trên giống xoài Kiew Savoey, cây sẽ ra hoa 100% khi phun Thiourea ở nồng độ 0,5% ở giai đoạn 120 ngày sau khi tưới gốc PBZ với liều lượng 6 g a.i./cây. Tuy nhiên, nếu xử lý Thiourea trước 75 ngày sau khi tưới gốc PBZ thì cây sẽ ra đọt 100%.
Thu hoạch xoài
Khi quả xoài già, vỏ quả hồng sáng, độ chín đặc trưng của giống thì thu hoạch. Nên thu hái vào lúc trời râm mát, khô ráo. Quả xoài thu hái về cần phân loại. Nếu vận chuyển đi xa thì đóng vào sọt hoặc thùng không quá 5 lớp (đóng sọt phải có lót rơm hoặc giấy giữa các lớp quả). Sau khi thu hoạch vệ sinh xung quanh tán cây xoài, cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh và tiếp tục chăm sóc.
Hotline: 0988004490 – 0822004490
FB: Cây cảnh online